Đào tạo theo định hướng ứng dụng – hun đúc tư duy và tinh thần khởi nghiệp; thiết kế chương trình đào tạo theo yêu cầu (đơn đặt hàng) của doanh nghiệp và xã hội; doanh nghiệp định hướng, “thẩm định” sinh viên ngay từ năm 2 đại học là chủ trương của trường Đại học Đại Nam. Theo đó, 100% sinh viên được hỗ trợ việc làm sau khi ra trường, doanh nghiệp yên tâm về nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp tục “đặt hàng” đào tạo với Nhà trường.
Sinh viên “lao đao” vì không được định hướng và thiếu kỹ năng
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo chỉ chiếm 56%, liên quan đến ngành đào tạo là 25% và không liên quan đến chuyên ngành đào tạo là 19%. Hàng năm có hơn 400.000 cử nhân ra trường, tuy nhiên con số thất nghiệp là gần 200.000 lao động. Đặc biệt tỷ lệ lao động thất nghiệp qua đào tạo cao hơn 3% so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng “báo động” này là: Sự bất cập trong công tác hướng nghiệp của nhà trường; nhận thức sai lệch của người học về ngành nghề, thiếu thông tin về thị trường lao động và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Điều này khiến người học khó xác định được mục tiêu học tập, không có ý thức tự trau dồi, rèn luyện kiến thức và kỹ năng. Dẫn đến tình trạng “học đại”, “ra trường rồi tính”, CV dải khắp nhưng không nhận được phản hồi, thất nghiệp, nhảy việc liên tục…
PGS, TS. Phạm Văn Hồng – Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho biết: Hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Nhà trường và doanh nghiệp phải “bắt tay” định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ những bước chân đầu tiên và xuyên suốt cả quá trình đào tạo.
“Nếu để sinh viên tự bơi, các em chỉ biết vùng vẫy và chìm nghỉm. Nếu nhà trường và doanh nghiệp đồng lòng hỗ trợ, định hướng, chắc chắn các em sẽ bơi rất xa và cập bến an toàn”, PGS, TS. Phạm Văn Hồng khẳng định.
Đại Nam và doanh nghiệp “bắt tay” định hướng sinh viên
Thực hiện mục tiêu 100% sinh viên được hỗ trợ việc làm, ra trường có việc làm đúng chuyên ngành, trường Đại học Đại Nam đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra cho sinh viên; trang bị bài bản kỹ năng mềm, thái độ tích cực, tính kỷ luật và thói quen rèn luyện sức khoẻ suốt đời cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo kỹ năng mềm, giáo dục quốc phòng – an ninh và chương trình đào tạo thể chất khác biệt…
Việc trường Đại học Đại Nam phát triển Trung tâm “Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên” chính là để hỗ trợ việc làm cho 100% người học. Mở rộng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để đưa sinh viên đến thực hành, thực tập, tham gia tuyển dụng. Đồng thời mời doanh nghiệp vào trường trực tiếp đào tạo, bổ trợ kiến thức – kỹ năng (kỹ năng thấu hiểu bản thân, kỹ năng viết CV, kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng, kỹ năng lập kế hoạch…), định hướng nghề nghiệp và “thẩm định” nguồn lao động trước khi các em gia nhập thị trường lao động.
Theo đó, Nhà trường và Trung tâm thường xuyên tổ chức các talkshow, tọa đàm nghề nghiệp với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp; mời chuyên gia đến trực tiếp đào tạo, lấp đầy “lỗ hổng” về kiến thức và kỹ năng thực tế dành cho sinh viên; tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp với nhiều vị trí việc làm có mức thu nhập cao…
Đặc biệt, sinh viên được rèn luyện kỹ năng viết CV và trả lời phỏng vấn ngay từ năm 2 đại học qua chương trình đào tạo Kỹ năng mềm nâng cao của khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm. Tại đây, sinh viên được đăng ký thi theo hình thức phỏng vấn trực tiếp cùng đại diện doanh nghiệp. Cụ thể, Khoa và Nhà trường phối hợp kết nối doanh nghiệp tham gia chương trình Ngày hội việc làm; sinh viên sẽ lựa chọn nhà tuyển dụng phù hợp với chuyên ngành, sở thích của bản thân để nộp CV và tham gia phỏng vấn 1:1.
Sinh viên “hưởng lợi” từ định hướng thực tế của nhà trường
Định hướng đúng đắn của Nhà trường và doanh nghiệp thông qua các hoạt động thực tế giúp sinh viên “hưởng lợi” về nhiều mặt:
Thứ nhất, Hiểu hơn về nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động thông qua chia sẻ thực tế của đại diện các doanh nghiệp.
Thứ hai, Nắm bắt được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó xác định mục tiêu và đưa ra lộ trình học tập; nỗ lực trau dồi kiến thức và kỹ năng phù hợp.
Thứ ba, Rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên và doanh nghiệp. Thay vì tự mò mẫm, tìm cách tiếp cận doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm, sinh viên được đối thoại trực tiếp và được doanh nghiệp phỏng vấn ngay trên giảng đường; chủ động lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên ngành đào tạo.
Thứ tư, Thông qua chương trình đào tạo Kỹ năng mềm, sinh viên biết cách thiết kế một CV ấn tượng, khoa học, đầy đủ thông tin; đồng thời trang bị được cho bản thân kỹ năng trả lời lưu loát, đúng trọng tâm, khẳng định thế mạnh, cá tính… Tự tin “chinh phục” nhà tuyển dụng, nói không với thất nghiệp sau khi ra trường chỉ vì thiếu và yếu những kỹ năng cơ bản.
Thứ năm, Tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành học và có mức thu nhập hấp dẫn ngay từ năm thứ 2 đại học.
Nguyễn Văn Vũ – lớp CKO 15.02 chia sẻ: “Em cảm thấy may mắn khi được học tập trong môi trường học tập hiện đại, thức thời và vì sinh viên như Đại học Đại Nam. Sự chỉ bảo tận tình, tận tâm định hướng của thầy cô giúp em có cái nhìn trực quan hơn về nghề nghiệp. Em tin rằng kỹ năng phỏng vấn và CV ấn tượng sẽ giúp em “chinh phục” vị trí kỹ thuật viên chất lượng của công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam”.
Đại diện công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sinh viên năm 2 trường Đại học Đại Nam. Không chỉ trình độ chuyên môn tốt mà kỹ năng và thái độ làm việc của các bạn rất chuyên nghiệp. Hiện tại các bạn chỉ là thực tập sinh, nhân viên bán thời gian nhưng trong tương lai, các bạn chắc chắn sẽ trở thành đội ngũ cốt cán của công ty”.
BTT