“Tôi có thể trả phí cho ai để trở thành hội viên?” là câu hỏi mở đầu cho cuộc hội thoại của tôi với Chủ tịch câu lạc bộ Bayan Baru Toastmasters¹. Đó là lần đầu tiên tôi đến câu lạc bộ Bayan Baru, một câu lạc bộ Toastmasters lâu năm và chất lượng tại Penang, Malaysia vào năm 2014 khi tôi làm việc cho đối tác Dell tại Malaysia.
Khi mới nhìn thấy tôi bước vào câu lạc bộ, anh chủ tịch câu lạc bộ đã nở một nụ cười thân mật chào đón. Từ giây phút đó, tôi có cảm giác thân quen như ở nhà mình. Khi nghe câu hỏi của tôi, anh lấy làm thú vị vì anh chưa thấy có vị khách mời nào lần đầu tiên đến, chưa tham gia buổi sinh hoạt nào của câu lạc bộ và chủ động hỏi “trả tiền để trở thành hội viên câu lạc bộ”. Anh ân cần hỏi han và giới thiệu tôi với phó chủ tịch phụ trách thành viên để giúp tôi đăng ký trở thành thành viên.
Lần đầu tiên tôi biết đến Toastmasters là khi tôi chuẩn bị du học khóa thạc sĩ đầu tiên, vào năm 2011. Tôi tìm kiếm một nơi giúp mình rèn kĩ năng nói trước đám đông và Toastmasters hiện lên ở trang đầu danh sách tìm kiếm. Lần đầu tiên đến Toastmasters để dự thính, tôi bị choáng ngợp bởi bài nói của các thành viên cũng như cách tổ chức chương trình của họ và tôi cũng cảm thấy hơi sợ vì e ngại mình không làm tốt được như vậy. Sau đó, khi sang Tây Ban Nha, để tham gia hoạt động của Toastmasters tôi phải di chuyển sang tỉnh bên cạnh vì chỗ tôi sinh sống không có câu lạc bộ Toastmasters, nên tôi ngại và không đăng ký trở thành thành viên. Tôi chỉ có cơ hội đứng dậy giới thiệu “I am a guest” (Tôi là khách mời) và thỉnh thoảng được phát biểu 1-2 phút.
Sau 2-3 năm làm khách mời – ‘người ngoài cuộc, khi tôi sang Malaysia làm việc, tôi quyết định sẽ trở thành thành viên của Toastmasters để có những trải nghiệm phát triển sâu hơn với vai trò ‘người trong cuộc. Tôi bắt đầu có thấy hướng dẫn, có người nhận xét cho những bài nói của mình, có được sự động viên để cải thiện khả năng nói mỗi ngày. Từ một người nói nhanh và nói không ai hiểu, tôi đã nói chậm hơn, rõ ràng hơn và đã truyền được cảm hứng đến mọi người.
Trong vòng năm tháng, tôi đã hoàn thành 10 bài nói trong nấc phát triển đầu tiên của một thành viên Toastmasters: người có khả năng giao tiếp tốt. Tôi tự hào rằng đó là tốc độ hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử của câu lạc bộ vì một câu lạc bộ Toastmasters chỉ có hai lần họp mỗi tháng, tức là tôi đã có cường độ hoạt động gấp đôi vì tôi đã tham gia cả buổi hoạt động thường xuyên và buổi hoạt động bổ trợ – hàng tuần.
Chính các thành viên trong câu lạc bộ Bayan Baru Toastmasters đã hỗ trợ, động viên để tôi có động lực tham gia các cuộc thi nói và xuất bản cuốn sách đầu tiên. Họ khiến tôi tin rằng: Mỗi chúng ta đều có những câu chuyện để truyền cảm hứng cho ai đó. Ngọn lửa mà họ truyền cho tôi vẫn còn nhiệt cho đến giờ, để tôi tiếp tục hành trình viết sách và phát triển bản thân.
Bạn đã bao giờ chủ động đưa ra câu hỏi: “Tôi có thể trả phí cho ai để trở thành thành viên?” – trở thành ‘người trong cuộc’ của một cộng đồng nào đó. Bạn đã bao giờ tìm một câu lạc bộ hay hội/nhóm nào chưa? Bạn đã có một “gia đình”, một tổ chức cầu tiến luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trở thành phiên bản tốt nhất? Tôi gọi “gia đình” đó là Mastermind¹.
Nếu bạn trả lời là chưa thì hãy tìm, nếu không tìm thấy hãy tạo ra nó! Tìm kiếm, tham gia và hoạt động tích cực nhất có thể. Một số nguồn để tìm các nhóm Mastermind là: Toastmasters, Meetup, Facebook, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán.
(1) Mastermind được Napoleon Hill định nghĩa là: “Một sự phối hợp của kiến thức và nỗ lực, trong một tinh thần hài hòa, giữa hai hoặc nhiều người, để đạt được một mục đích nhất định”.
(1) Toastmasters là một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ thành viên phát triển khả năng giao tiếp, nói trước đám đông và lãnh đạo. Tính đến tháng 10/2018, hệ thống câu lạc bộ của Toastmasters có mặt ở 143 quốc gia.
GÓC DÀNH CHO BẠN
Các bước sau có thể giúp bạn định hình rõ hơn về nhóm Mastermind
Ba kĩ năng chính tôi muốn phát triển là:
Ba nhóm Mastermind tập trung vào những kĩ năng này là:
Lịch đi đến nhóm Mastermind vào tuần này của tôi (áp dụng mô hình 5W):
What.
Why
When..
Where
Who
GÓC CUỐI NGÀY
Hãy nhớ lại kỷ niệm của bạn với một nhóm người nào đó mà bạn đã được họ truyền lửa hoặc bạn đã truyền lửa cho họ.
Cảm giác của tôi khi gặp một nhóm người tích cực là:
Ba cách để tôi phát huy thời gian dành cho những nhóm người tích cực là:
Ba điều tôi muốn cảm ơn trong ngày hôm nay là:
Nguồn: Trích “30 ngày thay đổi thói quen –
Hành trình xác định và nuôi dưỡng phiên bản tuyệt vời nhất của bạn”
___________________________
Follow Facebook DNU – Trung tâm Việc làm và Khởi nghiệp sinh viêntại ĐÂY để cập nhật job mới và các kỹ năng cần thiết mỗi ngày.