Vụ gần chết đuối ngày nhỏ khiến tôi có một nỗi sợ nước từ bên trong tiềm thức.
Hồi sinh viên, thấy bạn bè đi bơi, tôi rất muốn đi học bơi nhưng lại tự nhủ: “Bộ môn này không dành cho mình vì nó tốn kém – tiền vào bể bơi một lần bằng với tiền ăn cả tuần của một cô sinh viên đến từ vùng quê nghèo”. Sâu thẳm, tôi cảm thấy đó không phải là lí do đúng nhưng sau nhiều lần tự nhủ như vậy với mình, tôi đã vô tình biến ý nghĩ đó thành một niềm tin: “Bơi không dành cho tôi”. Sau khi tập thể dục hay đi làm về, tôi thường tưởng tượng cảm giác nhảy xuống một hồ bơi nào đó đầy sảng khoái và mát mẻ. Tuy nhiên ý nghĩ “Bơi không dành cho tôi” lại vang lên trong đầu khiến mong muốn đó biến mất.
Sau này, khi có nhiều cơ hội đi công tác nước ngoài, tôi thường được ở trong các khách sạn có hồ bơi rất đẹp. Lúc đó lí do “Bơi không dành cho tôi vì nó tốn kém” dường như không còn hợp lí nữa. Mỗi lần đi qua bể bơi, nhìn mọi người bơi như cá dưới bể, tôi cũng muốn nhảy xuống bơi nhưng trong tôi lại lóe lên một suy nghĩ: “Tôi đang đi công tác nên không tiện để dành thời gian học bơi”.
Sau đó, tôi đến Malaysia làm việc. Tòa nhà nơi tôi sống có một hồ bơi lớn, nước trong xanh và phòng tập gym của tôi có hướng nhìn ra hồ bơi. Mỗi ngày, đi qua bể bơi, tôi thấy một người phụ nữ hay bởi cùng với giờ tôi tập thể dục, cơ thể cô mềm mại, uyển chuyển như hòa mình cùng dòng nước đã khiến mong muốn được bơi trong tôi trỗi dậy. Một hôm tôi đến phòng gym và bắt gặp người phụ nữ ấy cũng đang tập. Vốn thích kết bạn, tôi tiến đến chào cô và nói rằng: “Tôi rất ngưỡng mộ mỗi khi nhìn thấy cô bơi”. Cô ấy cười và cảm ơn.
Sau đó chúng tôi lại gặp nhau và bắt đầu nói chuyện nhiều hơn. Một hôm cô ấy hỏi tôi: “Tôi chưa thấy bạn bơi bao giờ. Bạn hay bơi vào giờ nào?”.
Tôi cười ngượng ngùng: “Tôi không bơi”.
Cô ngạc nhiên: “Sao không? Bơi cũng rất tốt như gym”.
Tôi càng ngượng ngùng: “Nhưng tôi không biết bơi”.
Cổ động viên: “Vậy thì bơi thôi”.
Tôi bối rối, tìm cách biện hộ, một cách vô thức tôi thốt lên: “Nhưng tôi từng suýt chết đuối nên tôi không dám xuống nước”.
Cô cười: “Vậy thì bơi thôi”.
“Vậy thì bơi thôi.” – Câu nói đó đã thức tỉnh tôi! Tôi đã ý thức rõ ràng về nỗi sợ hãi bấy lâu nay trong
mình. Dường như hiểu được điều tôi đang nghĩ, cô lại nói tiếp: “Mai tôi đợi bạn ở bể bơi!”.
Ngay hôm sau, tôi bắt đầu học bơi với cô ấy nhưng chỉ được một ngày thì cô phải đi công tác. Trước khi đi cô dặn tôi nếu tôi kiên trì, tập mỗi ngày một chút, nhất định tôi sẽ bơi được. Tôi không muốn làm cô thất vọng, tôi tự nhủ mình phải học bơi để khi cô về hai cô cháu sẽ bơi cùng nhau. Sau ba tuần, tôi đã bơi được, tôi đã biết bơi ếch và bơi sải. Wow, cảm giác nhảy xuống hồ, hòa mình vào làn nước thật tuyệt vời! Nếu tôi có can đảm vượt qua nỗi sợ sớm, tôi có thể được tận hưởng cảm giác tuyệt vời này sớm hơn!
Bạn có muốn làm điều gì đó nhưng lại đang bị cản trở bởi một nỗi sợ không?
Khi bạn cảm thấy bản thân nhiều lần đưa ra các lí do để không làm một cái gì đó – dù lí do đó nghe hợp lí đến đâu, có thể là nỗi sợ đang “dùng” lí do đó để cản trở bạn hành động. Bạn có thể đặt câu hỏi để kiểm chứng là: nếu tôi làm việc đó, nó có tốt cho tôi – nếu câu trả lời là có – bạn làm nó, dù có sợ – nó có thể giúp bạn tiến tới điều thú vị hơn trong cuộc sống.
GÓC DÀNH CHO BẠN
Một điều mà tôi sợ là:
Lí do tôi sợ là:
Phần thưởng tôi có thể nhận được nếu làm điều đáng sợ đó là:
Kế hoạch cụ thể để làm một điều tôi sợ hôm nay là (áp dụng mô hình 5W):
What:
Why:
When:
Where:
Who:
GÓC CUỐI NGÀY
Một điều tôi sợ nhưng tôi đã từng làm được là:
Một việc tôi chưa dám làm và tôi sẽ làm vào ngày mai là:
Một điều khiến tôi cảm thấy biết ơn trong ngày hôm nay là:
Nguồn: Trích “30 ngày thay đổi thói quen –
Hành trình xác định và nuôi dưỡng phiên bản tuyệt vời nhất của bạn”
___________________________
Follow Facebook DNU – Trung tâm Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên tại ĐÂY để cập nhật job mới và các kỹ năng cần thiết mỗi ngày.