Ký ức của tôi trôi dạt về một buổi chiều năm tôi ba tuổi. Ngày hôm đó, bố mẹ ở bệnh viện chăm sóc em gái tôi. Anh trai tôi đi câu cá còn chị cả đang đi chợ bán rau. Tôi ở nhà với chị gái thứ hai, hơn tôi bốn tuổi, chúng tôi đang chơi xích đu dưới gốc nhãn trong vườn. Tôi cười khúc khích mỗi khi được chị đẩy vút lên cao. Đột nhiên, chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa và một người phụ nữ tầm 30 tuổi dựng xe đạp ở cổng. Người phụ nữ đó từ từ đi vào sân nhà tôi. Hai chị em tôi chạy lại để nói chuyện với cô ấy.
“Chào con, dì là dì của con. Bố mẹ con nhớ em gái nên bảo dì đón em xuống thăm họ”, người phụ nữ nói với chị tôi. Chị tôi không có đủ thời gian để nhận ra người phụ nữ đó là ai thì cô ta đã nói tiếp: “Xe đạp của dì bị hỏng nên dì phải mượn xe của nhà con”.
Trong khi chị tôi vẫn còn bối rối về những gì đang diễn ra, người phụ nữ ấy đã lấy ngay chiếc xe đạp của nhà tôi và đi ra cổng. Thời ấy, đắt tiền và là tài sản quý giá nhất trong nhà, không nhiều người trong làng có thể mua được chiếc xe đó. Bố tôi đã tiết kiệm từng đồng để mua làm quà cho mẹ, để mẹ đi chợ sớm đỡ vất vả.
Người phụ nữ tự xưng là “dì” bế tôi đặt lên xe phóng đi luôn, để lại chị gái tôi ngơ ngác phía sau. Còn tôi lúc ấy cảm thấy vui mừng khi sắp được gặp bố mẹ. Sau khi “dì” đi được một đoạn, đột nhiên tôi nghe thấy một giọng nói quen thuộc: “Đừng đi, Hường”. Vài giây sau, người đó chặn trước đầu xe của “dì”.
Đó là anh trai tôi. Giọng hổn hển vì chạy nhanh, anh tôi cương quyết: “Cháu muốn đưa em cháu về nhà. Em cháu sẽ không đi đâu cả. Nó còn nhỏ không đến bệnh viện được”.
“Nhưng bố mẹ cháu muốn gặp em cháu mà” – người phụ nữ khăng khăng.
Anh tôi nghiêm nghị: “Bố mẹ bảo chúng cháu trông em và để em ở nhà. Cô có thể đến đó một mình. Cháu chưa bao giờ gặp cô trước đây cả”.
Với sự quả quyết của anh tôi, “dì” đã từ bỏ ý định tranh cãi, vội vã đạp xe đi. Anh ôm chặt lấy tôi, tim anh đập thình thịch. Tôi không biết chuyện gì vừa xảy ra, tại sao tim anh vẫn đập mạnh và tại sao anh lại không cho tôi đi gặp bố mẹ. Tôi chỉ thấm thía được cảm giác sợ hãi đó khi anh giữ chặt tôi, cứu tôi khỏi bị chết đuối sau này. Lúc đó tôi mới hiểu được nỗi sợ hãi của anh là nỗi sợ đi đứa em gái của mình.
Không ai biết người phụ nữ tự xưng kia là ai nhưng mọi người đều tin rằng cô ta là một kẻ bắt cóc. Vào thời điểm đó ở Việt Nam, người ta nói rằng có những kẻ bắt cóc trẻ em để bán sang Trung Quốc. Đã có một số trẻ ở tỉnh tôi bị bắt cóc và tôi suýt chút nữa đã trở thành một trong số các nạn nhân. Khi lớn lên, thỉnh thoảng tôi nói đùa với mẹ rằng tôi có thể đã trở thành một nữ doanh nhân thành công ở nước ngoài và sau đó quay lại tìm bố mẹ nếu tôi bị bắt cóc thật. Mẹ tôi luôn nói đó là suy nghĩ trẻ con nhất mà mẹ từng được nghe. Mẹ và gia đình tránh nói về kỷ niệm đó vì nó gắn với cảm giác sợ hãi mất đi đứa con gái bé bỏng.
Ở một góc độ khác, tôi lại có cảm giác thú vị khi nghĩ lại kỷ niệm đó. Khi ấy tôi còn bé nên chưa nhận thức được sự việc, tôi thấy việc đó li kì như một bộ phim. Và trong sâu thẳm, kỷ niệm đó gợi cho tôi lòng biết ơn sâu sắc vì tôi vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ với gia đình mình. Sự việc nhắc nhở tôi phải sống hết mình để cảm ơn cơ hội sống quý báu đó.
Khi đọc câu chuyện của tôi bạn có cảm giác thế nào? Cảm giác bàng hoàng, hốt hoảng hay thở phào nhẹ nhõm vì tôi đã không bị bắt cóc? Cảm giác đó đến thật tự nhiên, chúng không làm chủ được nhưng việc lựa chọn giữ lại cảm giác nào lại là điều chúng ta có thể.
Tôi tin là bạn cũng như tôi, khi nghĩ đến ranh giới của sự sống và cái chết sẽ cảm thấy biết ơn cuộc đời hơn vì chúng ta vẫn còn sống.
Tôi nhìn sự việc trong quá khứ như một cơ hội vàng để cả vô thức, tiềm thức và ý thức của tôi được giải phóng khỏi những nỗi ám ảnh vô hình, hoàn toàn sống với hiện tại và hướng tới tương lai, tới phiên bản tuyệt vời của tôi.
Và cách để cho những nỗi ám ảnh vô hình qua đi là nhận biết và cảm ơn nó!
Ngày tôi làm điều này, viết ra câu chuyện và bày tỏ lòng biết ơn trong cuốn sách đầu tiên, tôi thấy mình được giải phóng khỏi một năng lượng vô hình nào đó từ quá khứ. Bố mẹ tôi cũng dần bị ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận của tôi về quá khứ. Mẹ tôi đã mỉm cười khi tôi đùa về giả định tôi bị bắt cóc rồi quay về đoàn tụ với mẹ như trong phim.
Những điều đã xảy ra, hãy cho phép bạn được giải phóng khỏi chúng. Hãy đổ tất cả “nước cũ” đi để đong đầy “nước mới” vào trong “chai” của bạn.
Cách để quá khứ qua đi có thể đơn giản là đi dạo một vòng và cảm nhận mọi thứ xung quanh, cảm nhận hiện tại hoặc là viết ra như tôi, sau đó gắn nó với suy nghĩ tích cực.
Bạn có thể thực hành để trở thành một người quan sát quá khứ, ghi lại những sự việc trong quá khứ lên giấy sau đó sử dụng câu “thần chú” sau đây để quá khứ qua đi: “Cảm ơn! Tôi để cho bạn đi. Tôi sẽ tiếp bước tới tương lai”.
Bạn hãy viết ra điều trong quá khứ tạo cho bạn cảm giác sợ hãi, đau đớn hoặc bất kì cảm giác tiêu cực nào và sau đó hãy nhìn nó với lòng biết ơn, dùng câu thần chú trên để điều đó qua đi.
Thân gửi đến con người trong quá khứ đầy yêu thương!
Tôi cảm ơn bạn vì.
Tôi sẽ để cho bạn được giải phóng khỏi tôi vì?
GÓC DÀNH CHO BẠN
Điều tôi muốn cho qua và cảm ơn vì nó đã qua đi?
Tôi cảm ơn điều đó vì?
Hãy tưởng tượng phiên bản tốt nhất của bạn là một người bạn trong quá khứ để viết thư cho người bạn ấy.
GÓC CUỐI NGÀY
Ba điều trong ngày mà tôi muốn để nó qua đi là:
Ba điều mà con người tuyệt vời của tôi muốn nói với tôi mỗi ngày là:
Ba điều trong ngày mà tôi muốn cảm ơn là:
Nguồn: Trích “30 ngày thay đổi thói quen –
Hành trình xác định và nuôi dưỡng phiên bản tuyệt vời nhất của bạn”
___________________________
Follow Facebook DNU – Trung tâm Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên tại ĐÂY để cập nhật job mới và các kỹ năng cần thiết mỗi ngày.