Dù mới đi được 2/3 chặng đường nhưng Khóa đào tạo chuyển hóa lãnh đạo thuộc Dự án Phát triển văn hoá trường Đại học Đại Nam đã chạm đến đích mục tiêu. 100% lãnh đạo chủ chốt tham gia khoá đào tạo được chuyển hoá, đổi mới về tư duy, hành động trong các tình huống công việc và cuộc sống hướng tới mục tiêu đột phá, trở thành đội ngũ căn cốt cùng Nhà trường lan tỏa các giá trị văn hóa cốt lõi.
Đi học hạnh phúc – lập tức vào việc
Cô Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau. Để vừa đi nhanh, đi xa, các mắt xích nhân sự phải hiểu và thấm nhuần văn hoá của tổ chức. Đây chính là lý do, Đại học Đại Nam quyết tâm làm sâu sắc hơn và đào tạo lan toả bản sắc văn hoá đến từng nhân sự nhằm tạo dựng môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc cho tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên. Đồng thời là nền tảng để Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ sinh viên. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt là lực lượng căn cốt cùng Nhà trường định vị, lan toả các giá trị văn hoá cốt lõi hướng đến mục tiêu phát triển đột phá và trường tồn. Để làm được điều đó, lãnh đạo phải chuyển hoá, làm gương và dẫn dắt….”
Tạo dựng môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc cho mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên là mục tiêu hướng đến của trường Đại học Đại Nam.
Lãnh đạo phải là những người “được” chuyển hoá đầu tiên
Thầy Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng bày tỏ: “Để phát huy các giá trị văn hóa của tổ chức, lãnh đạo Nhà trường và đội ngũ lãnh đạo chủ chốt phải là những người “được chuyển hoá” đầu tiên, toàn diện và thực chất. Khóa đào tạo chuyển hoá lãnh đạo có ý nghĩa thiết thực, giúp xây dựng văn hóa công sở, chuyển hóa tư duy, hành động theo chiều hướng tốt đẹp. Sức mạnh tập thể cũng vì vậy được nâng lên. Mọi người yêu quý cơ quan, đơn vị của mình hơn và cùng nhau phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Đặc biệt, trong khóa học này, chúng ta có thể tranh luận một cách cởi mở, không có khoảng cách, từ đó dần dỡ bỏ khoảng cách lãnh đạo – nhân viên”.
“Văn hóa của đơn vị sẽ giúp khích lệ những giá trị tiềm ẩn bên trong, giúp chúng ta làm việc với nhau văn minh, phù hợp; hướng đến khai phá thế mạnh của mỗi cá nhân”.
Ấn tượng với sự nhiệt huyết, máu lửa của người đứng đầu Nhà trường
Thầy Dương Minh Tú – Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh cho biết: “Điều tôi ấn tượng nhất về khóa đào tạo chuyển hóa lãnh đạo là sự nhiệt huyết, máu lửa, tận tâm của người đứng đầu Nhà trường. Thứ hai là giảng viên đứng lớp đã tổ chức các hoạt động rất gần gũi, thực chất. Thứ ba là tinh thần học hỏi, chia sẻ chân tình, “không kiêng nể” của các thầy cô tham gia lớp học. Đó cũng là lời khẳng định chắc nịch cho nhiệt huyết, sự gắn kết của người Đại Nam. Những nội dung của buổi học đã thôi thúc tôi nhìn lại bản thân, xác định vị trí của mình đang ở đâu trong tổ chức và hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, hướng đến khao khát: Quy mô và số lượng sinh viên tăng gấp nhiều lần hiện tại; chất lượng khoa Quản trị Kinh doanh được xã hội công nhận và trở thành đối thử “đáng gờm” của các trường Top đầu Việt Nam về đào tạo Quản trị Kinh doanh”.
Dũng cảm đối diện với những hạn chế của bản thân để thay đổi và phát triển
Cô Đỗ Thu Hương – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo chia sẻ: “Tôi là một người cầu toàn, luôn yêu cầu công việc ở mức cao nhất. Vì vậy, tôi cũng đòi hỏi các chuyên viên phải giống mình và “càm ràm dai dẳng” nếu họ không đáp ứng được. Thành ra lại gây áp lực cho nhau. Tham gia khóa đào tạo, tôi nhận ra những hạn chế của bản thân, dũng cảm đối diện và thay đổi để phát triển. Tôi bắt đầu “xuống sân cỏ”, đặt mình vào vị trí của người khác để đánh giá sự việc, giao việc và cùng cam kết đồng hành, thực hiện thưởng phạt công minh. Tôi cũng hạ bớt cái tôi của mình xuống để lắng nghe, chia sẻ với đồng nghiệp; tích cực ghi nhận công sức của các chuyên viên bằng lời nói, hành động… Công việc vì vậy mà hiệu quả hơn, mọi người đều vui vẻ, cởi mở và gắn kết hơn”.
Cô Đỗ Thu Hương đã “bớt khó tính”, chuyển hóa thành công khi tham gia khóa đào tạo
Cô Nguyễn Thị Ngân – Trưởng phòng Khảo thí tâm sự: “Khóa đào tạo chuyển hóa lãnh đạo đã giúp chúng tôi nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu còn đang tồn tại trong công việc và mỗi cá nhân. Tôi học được cách tiết chế bản thân, truyền năng lượng và động lực cho những người xung quanh; không còn ngại mà sẵn sàng thay đổi để phù hợp với tổ chức, với xã hội”.
Khóa học tràn đầy năng lượng tích cực.
Cô Lê Thị Mai Phương – Trưởng phòng Thanh tra pháp chế chia sẻ: “Tôi tin rằng, khóa đào tạo đã mở ra cơ hội để mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân. Từ đó gạt bỏ đi cái tôi cá nhân để đặt mình vào vị trí của người khác, vì lợi ích chung. Đây cũng là cơ hội để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, sự đánh giá, ghi nhận với đồng nghiệp; ý thức rõ hơn trách nhiệm với tổ chức, đơn vị do mình phụ trách và hơn hết là với sinh viên”.
Hiểu được những “góc khuất” trong công việc của nhau
Thầy Trần Hải Dương – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc chia sẻ: “Tham gia khóa đào tạo, chúng tôi không còn là lãnh đạo mà “nhập vai” học sinh nên rất thoải mái chia sẻ. Chúng tôi hiểu được nhiều “góc khuất” của nhau trong công việc và cuộc sống; nhận thấy mỗi người đều có những nét riêng biệt vô cùng đáng yêu. Và khi đặt cạnh nhau, những cá tính đó trở thành một tập thể vô cùng vững mạnh. Tôi cũng áp dụng được khái niệm “tương lai khao khát” vào việc xây dựng chiến lược phát triển Khoa trong thời gian tới; khái niệm “lắng nghe luôn mặc định sẵn” trong việc ứng xử với cán bộ, giảng viên, vặn nhỏ “tiếng nói nhỏ” của bản thân để đồng cảm và thấu hiểu mọi người”.
Thầy Lê Quang Dũng – Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh cho hay: “Chưa bao giờ tôi tham gia một khóa học đào tạo đặc biệt như thế này. Nó giúp cho đội ngũ lãnh đạo cấp Khoa, Phòng nhìn nhận lại công tác điều hành tổ chức của mình với góc nhìn đa chiều, từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Điều này làm giảm thiểu đáng kể những khúc mắc không đáng có trong công việc. Hơn cả, khối Chuyên môn và khối Phục vụ đã có những chia sẻ thẳng thắn với nhau, điều mà chúng tôi ít có cơ hội để bày tỏ. Bản thân tôi cũng có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và hành động, kìm chế cảm xúc bản năng để tránh làm tổn thương đồng nghiệp một cách không cần thiết”.
Start – Stop – Continue được áp dụng triệt để trong công việc
Thầy Trần Đăng Công – Trưởng khoa Công nghệ thông tin cho hay: “Tôi áp dụng triệt để bài học Start – Stop – Continue vào công việc. Start bằng việc lắng nghe và thấu hiểu. Stop cảm xúc cá nhân, ngưng một số vấn đề chưa đi đến thống nhất. Tiếp tục (Continue) ghép các đóng góp thiết thực của các thành viên và phác họa một bức tranh tổng thể. Nhờ vậy mà công việc của đơn vị cũng như cá nhân tôi được vận hành tốt hơn, các nhiệm vụ quá deadline cũng vì vậy mà được hoàn thành”.
Rạng rỡ khi công việc trơn tru, deadline đúng hạn.
Biết đặt mục tiêu đột phá – tương lai khao khát để đưa đơn vị sánh tầm với các địa chỉ đào tạo Top đầu Việt Nam
Cô Nguyễn Thị Vinh Huê – Trưởng khoa Dược chia sẻ: “Khóa đào tạo cho tôi động lực để đặt ra tương lai khao khát đưa khoa Dược phát triển sánh tầm với các cơ sở đào tạo top đầu. Và để làm được điều đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên vừa hồng vừa chuyên; kết nối mạnh với các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội trải nghiệm, thực tập của sinh viên; tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để được tỏa sáng bằng các giải thưởng; đẩy mạnh hợp tác phát triển doanh nghiệp, tạo cơ hội nhận học bổng trao đổi, du học cho sinh viên… Với sự đồng hành, ủng hộ của Nhà trường, tôi tin rằng tương lai khao khát của Khoa sẽ thành hiện thực”.
Người mới hiểu hơn về văn hóa DNU để đồng hành, gắn bó lâu dài
Cô Nguyễn Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Thương mại và Kinh tế số bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một khóa đào tạo sôi động, thú vị như thế này. Là những người “có vai vế” nhưng mọi người rất cởi mở, thoải mái và chân thành. Điều này giúp người mới như tôi nhanh chóng hòa nhập môi trưởng, kết nối đồng nghiệp, hiểu hơn về văn hóa Đại Nam; nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử và phản biện. Tôi cũng ngộ ra nhiều vấn đề trong suy nghĩ, hành động; từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý, đào tạo; đưa khoa Thương mại Điện từ và Kinh tế số phát triển vững mạnh cùng với Nhà trường, xã hội”.
Người mới cởi mở và nhanh chóng hòa nhập với môi trường, văn hóa, con người Đại Nam.
Hạnh phúc khi được hấp thụ “dinh dưỡng cho não bộ”
Cô Thái Thu Phương – Trưởng phòng Hành chính Quản trị xúc động: “Khóa đào tạo mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, từ nụ cười đến những giọt nước mắt. Chúng tôi có cơ hội để hóa giải những khúc mắc không đáng có trước đây; được lắng nghe những chia sẻ thầm kín về nhau; hiểu để tôn trọng và trân trọng nhau hơn. Bình thường nói trước đám đông tôi rất run, nhiều khi còn lạc cả giọng mà không hiểu sao tham gia khóa đào tạo, tôi thấm quá nên hăng hái “tăng cả động”, cười nói suốt cả buổi. Tôi biết ơn Ban lãnh đạo nhà trường đã cho chúng tôi được tham một khóa học thiết thực và bổ ích như thế này”.
Từ nụ cười tươi rói…
Đến những giọt nước mắt xúc động trước những chia sẻ, bày tỏ chân thành của đồng nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm hào hứng: “Cuối tuần đi học mà tươi như hoa, toàn những “bạn học” sừng sỏ, phản biện và quyết liệt đến cùng. Các nội dung đào tạo chuyển hóa lãnh đạo của Đại học Đại Nam cực kỳ thực tế, hữu ích, vượt hơn cả kỳ vọng và mong đợi của bản thân tôi. Thường xuyên cho não bộ được hấp thụ dinh dưỡng để tiếp tục sản sinh ra nhiều tri thức và lan tỏa là điều cần thiết đối với mỗi DNUER”.
Hạnh phúc khi được hấp thụ “dinh dưỡng cho não bộ” mỗi tuần.
…
Những chia sẻ sâu lắng cùng sự “chuyển hóa” tích cực của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt là nguồn động lực to lớn để trường Đại học Đại Nam phát triển và mở rộng các khóa đào tạo chuyển hóa cho gần 1.000 cán bộ, giảng viên, nhân viên trong thời gian tới.
BTT